Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

9 Sai Lầm Khi Mua Giày Chạy Bộ Khiến Hiệu Quả Giảm Đáng Kể

Với hàng loạt mẫu mã giày chạy bộ đa dạng trên thị trường, có thể bạn sẽ bị bối rối khi lựa chọn loại giày phù hợp nhất với phong cách cũng như chế độ tập luyện và thể trạng của bản thân. Trong bài viết này, WellTraining sẽ liệt kê 9 lỗi bạn có thể thường xuyên phạm phải khi mua giày. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ giúp bạn đưa ra một số lời khuyên hữu ích để chọn được đôi giày ưng ý.

phần chân của nhóm người đang chạy

1. Quá tập trung vào vẻ ngoài của đôi giày

Về mặt tâm lý, mọi runners đều muốn bản thân trông thật thời trang với những trang phục, phụ kiện chạy bộ bắt mắt. Tuy nhiên, vẻ ngoài của đôi giày không nên nằm đầu danh mục tiêu chí ưu tiên khi bạn mua giày. 

Tất nhiên, bạn không cần phải gượng ép bản thân chọn một đôi giày mình không thích. Nhưng có các tiêu chí khác cần xét đến trước khi bạn ra quyết định mua giày. Hãy coi giày chạy bộ như một công cụ có thể giúp bạn cải thiện hiệu suất chạy bộ thay vì một phụ kiện giúp nâng tầm nhan sắc cho bạn.

5 tiêu chí bạn cần xét đến khi mua giày:

  • Cung đường tập luyện: Dựa trên bề mặt tiếp đất, người ta phân giày chạy bộ thành 4 nhóm: Giày chạy đường bằng, giày kỹ thuật có đế bằng cao su phù hợp với địa hình gồ ghề, giày chống trơn trượt dành cho địa hình ẩm ướt, và giày dùng cho mọi cung đường (nhưng không chuyên về bề mặt nào).
  • Kích cỡ và kiểu dáng
  • Lực kéo: Loại rãnh hoặc cao su gắn phần đế ngoài sẽ tạo ra lực kéo cho giày. Rãnh nông dưới 4mm phù hợp chạy trên đường bằng. Rãnh sâu trên 5mm phù hợp địa hình ẩm ướt, đất mềm. Đế bọc cao su nhẹ phù hợp đường bằng, trơn, nhiều đá. Đế cao su dính phù hợp đường trơn và khó di chuyển.
  • Lớp đệm: Lớp đệm bàn chân mỏng tăng sự nhanh nhẹn nhưng dễ chịu tác động từ mặt đường. Lớp đệm bàn chân dày tạo sự thoải mái khi chạy nhưng khó cảm nhận bề mặt tiếp đất. Đệm cổ chân giúp bảo vệ khỏi áp lực nhưng giảm cảm giác kết nối của bàn chân với giày. Cổ giày cao hoặc có phần lưỡi gà giày giúp giữ đất sỏi không lọt vào giày. Tuy nhiên lại gây bí chân.
  • Khả năng bảo vệ chân: Xác định dựa trên phần lót của đế và mũi giày. Phần bảo vệ chân không nên quá cồng kềnh bởi có thể khiến giày cứng và nặng hơn.

>> “Mổ Xẻ” Cấu Tạo Của Một Đôi Giày Chạy Bộ Hoàn Hảo Dành Cho Bạn

2. Mua một kiểu dáng giày chưa từng thử qua các trang bán hàng online 

Nhiều người mua giày chạy online về, thấy hình thức đẹp và vừa size là sử dụng luôn. Bất chấp việc đôi giày có thể mang lại chấn thương hoặc không phù hợp mục đích sử dụng. 

Nếu bạn đã dùng quen một mẫu giày chạy bộ nhiều năm và đã nắm được các chỉ số về kích cỡ, sự vừa vặn và thoải mái loại giày đó mang lại, thì việc mua giày online sẽ rất thuận tiện và giúp bạn mua sắm với nhiều ưu đãi có lợi hơn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn mua một mẫu giày mới hoặc đổi một thương hiệu mới, hãy đến trực tiếp cửa hàng chuyên dụng để có thể trực tiếp thử giày. 

Hai người đàn ông quyết định mang giày thể thao mới trong cửa hàng thể thao
Bạn nên đến trực tiếp cửa hàng chuyên dụng để có thể trực tiếp thử giày.

>> Top 7 hãng giày thể thao Việt Nam có tiếng và chất lượng

3. Mơ hồ về kích thước chân của bản thân

Kích thước giày của từng thương hiệu, thậm chí các dòng giày của hãng có thể sẽ khác nhau. Cỡ chân của bạn cũng có thể thay đổi qua năm tháng. Kể cả những người chạy bộ lâu năm cũng chưa chắc đã biết size chân của mình cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy khi cần mua một đôi giày mới, bạn hãy đo lại chân trước khi mua.

4. Không để ý đến sự “vừa vặn”

Sự vừa vặn của giày chạy bộ là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần xem xét khi mua giày. Bạn cần để ý đến các chi tiết như:

  • Khối lượng giày
  • Khoảng trống ở phần ngón chân
  • Độ vừa khít ở gót chân
  • Hình dạng giày phù hợp với bàn chân, không gây khó chịu cho bàn chân
  • Thiết kế dây giày có giúp cố định giày không? Khi di chuyển có bị trượt gót hoặc cảm giác khó chịu ở mũi chân hay không?

5. Mua giày vào buổi sáng

Kích thước của bàn chân vào buổi sáng và buổi tối là khác nhau. Vào 4 giờ chiều, bàn chân của bạn sẽ to hơn đáng kể so với 8 giờ sáng khi mới thức dậy. Bởi vậy tốt nhất là bạn nên đợi đến buổi chiều để đi mua giày. Điều này giúp bạn tránh mua một đôi giày chạy bộ quá nhỏ và có khả năng gây ra các vết phồng rộp hoặc đau nhức khi đang chạy.

6. Không đi tất khi thử giày

Độ dày của tất chân có thể tạo ra sự khác biệt về độ vừa vặn của giày. Hãy thử giày chạy bộ với cùng loại tất bạn mang khi tập luyện thay vì thử chúng với lót giày được cung cấp trong cửa hàng.

7. Chọn giày sai mục đích sử dụng

Giày chạy bộ được thiết kế cho những bề mặt cụ thể. Bạn chủ yếu chạy trên đường mòn hay đường đua bằng phẳng? Bạn thích các cuộc đua nước rút hay sự kiện đường dài? Hãy xem xét các yếu tố trên trước khi quyết định nên mua loại giày nào. Mua một đôi giày đua mỏng nhẹ cho chạy đường mòn chỉ vì nó trông thật tuyệt, hoặc mua giày có đệm khi chạy marathon cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến chấn thương không đáng có cho bạn mà thôi.

8. Không phân biệt được giày có đệm (neutral shoes) và giày tăng ổn định (stability shoes)

2 đôi giày
Bạn có thể phân biệt sự khác nhau giữa 2 loại giày này không?

Vòm chân, hình dạng bàn chân và cách bạn tiếp đất là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn một đôi giày có đệm cao su hay giày hỗ trợ tăng thăng bằng và ổn định tốc độ. 

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn giày dựa trên các tính năng trên, hãy đến một cửa hàng chuyên bán đồ chạy bộ có thể phân tích dáng chạy của bạn. Nếu bạn có vòm chân thấp bẩm sinh, một đôi giày tăng ổn định có thể phù hợp hơn một đôi giày đệm trung tính. Với những người là dân chạy chuyên nghiệp, sẽ có nhiều loại giày hơn để bạn lựa chọn.

9. Phụ thuộc quá nhiều vào các bài review quảng cáo 

Đọc các bài đánh giá giày để có cảm nhận về kiểu giày bạn đang cân nhắc là một ý hay. Tuy nhiên không nên chỉ dựa vào đánh giá để đưa ra quyết định. Chỉ vì bài đánh giá cho thấy đôi giày rất phù hợp với người viết, không có nghĩa là nó cũng phù hợp với bạn. Điểm mấu chốt là bạn vẫn cần thử giày trực tiếp và đảm bảo rằng nó vừa vặn và thoải mái đối với bạn.

WellTraining

Đọc thêm:

Chạy Bộ Đốt Calo Hiệu Quả Tới Mức Nào? Cách Tính Calo Chuẩn

Khi Chạy Bộ, Bổ Sung Dinh Dưỡng Nào Để Cơ Thể Luôn Khỏe Mạnh?